Rumi là nhà thơ Muslim vĩ đại nhất sinh ra ở vùng đất ngày nay là Afghanistan, thời đó những người Islam, Hindu lẫn Phật tử còn chung sống hòa hợp với nhau.
Tang lễ của ông kéo dài tận 40 ngày, để lại sự thương tiếc cho cả tín đồ Kitô, Do Thái, Islam, người Ba Tư lẫn người Hy Lạp.
Rumi sinh năm 1207 và mất năm 1273. Thời kỳ đó hóa ra lại đầy hỗn độn, nhưng đó không phải là từ diễn tả những gập ghềnh trong thơ của Rumi. Và chẳng có bất kỳ chỉ trích nào nhắm vào ông bởi ông là một người Sufi và là một môn đồ của Kinh Koran.
Thật ra, trong lễ tang, các tín đồ Kitô tuyên bố rằng “Người là Đức Jesus của chúng tôi!” trong khi những người Do Thái lại khóc than “Người là Moses của chúng tôi!”.
Hai bên đều có lý cả. Rumi thuộc về mọi người, và sẽ luôn như vậy. Bởi thế nên việc nhà thơ Muslim sống vào thế kỷ XIII này được xem là tác giả thơ bán chạy nhất trong thế kỷ XXI tại Mỹ cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Dĩ nhiên lý do chính vẫn là ở bản thân các bài thơ. Nhưng trước tiên, hãy gắn những bài thơ ấy vào cuộc đời ông…
Cha ông là một nhà thần học Sufi giàu có và huyền bí. Có một câu chuyện nổi tiếng trong phần 12 của Rumi gắn với cha ông. Một nhà thơ đại tài nhìn thấy cha mình bước tiến và Rumi vội vã đuổi theo. Ông nói rằng “Nơi đây có biển, tiếp đến là đại dương”.
Rumi cũng là một học giả có uy tín. Và rồi, khi ở độ tuổi 37, ông gặp Shams xứ Tabriz, một con người đầy gai góc. Nhưng Shams lại say đắm với Chúa Trời, những thứ khác chẳng có gì ý nghĩa. Cho nên, cuộc tao ngộ của họ thật hữu duyên. Như Rumi nói “Điều tôi nghĩ về quá khứ chính là Đức Chúa tôi gặp hôm nay trong hình hài con người”.
Ông thổ lộ mọi điều với Shams. Và rồi Shams rời đi. Sau đó, ông xuất hiện trở lại – nhưng lại là nạn nhân của vụ sát hại do chính đứa con trai đầy đố kỵ của Rumi. Nhưng kể từ đó Rumi cũng bị ám ảnh bởi Chúa, và cũng ngộ ra rằng: Không thể có hố sâu nào ngăn cách những người yêu nhau:
Tại sao tôi phải đi tìm? Tôi cũng giống như Shams.
Tinh túy của Shams vọng lên trong tôi.
Tôi bấy lâu nay đã đi tìm chính tôi!
(Rumi Tinh tuyệt, tr 36, NXB Hội Nhà Văn, 2019)
Rumi sáng tác đến bảy vạn vần thơ – nhưng ông chưa khi nào thực sự viết một bài thơ nào. Được một người bạn hối thúc phải ghi lại tư tưởng của mình, ông đành nguệch ngoạc biên lại vài dòng “Hơn thế nữa!”, Husameddin Celebi nài nỉ. Rumi hồi đáp: “Này Celebi, nếu cậu chịu viết cho tôi, tôi sẽ đọc cho cậu”. Và thế Rumi bắt đầu ngâm cho Celebi chép.
Điều này thật là cả một quá trình với Rumi khi ông thi thoảng lại “xuất khẩu thành thơ” khi đang nhảy múa. Như Celebi viết: “Lão ta chẳng đời nào chịu cầm bút khi sáng tác cả. Bất cứ lúc nào lão ta sắp ngâm thơ, dù là trên trường, trong suối nước nóng, trong phòng tắm hay trong vườn nho, tôi đều ghi lại những vần thơ lão ngâm. Thông thường tôi hiếm khi bắt kịp tốc độ đọc của lão, thỉnh thoảng có khi cả ngày lẫn đêm liên tục trong vài ngày liền. Có khi lão sẽ không sáng tác suốt nhiều tháng trời, và có lúc đến tận hai năm. Trước khi hoàn thành mỗi cuốn sách, tôi đều đọc lại nó cho lão nghe, để lão có thể chỉnh sửa lại những gì được viết ra”.
Là một nhà thơ, Rumi vừa sâu sắc nhưng cũng rất trong sáng. Truyện thơ của ông là tuyển tập những câu đố cho bạn. Những bài thơ ấy như những bức điện nhỏ, gửi thẳng từ trái tim của ông đến với bạn. Những giá trị ông viết đều được ẩn đi. Quan điểm của ông là: Đây là mật ngọt, hãy nếm, và thưởng thức đi.
Và đây chính là nguồn nuôi dưỡng những vần thơ của ông! Hãy xem:
Không quan trọng bạn chạy nhanh ra sao,
cái bóng của bạn vẫn vượt lên.
Đôi lúc, nó còn ở phía trước!
Chỉ vầng dương tròn đầy, ngự trên đầu
mới thu nhỏ cái bóng của bạn.
Nhưng cái bóng đó đã phục vụ bạn!
Thứ làm bạn tổn thương, tôn sùng bạn.
Bóng tối là ngọn nến của bạn.
Những ranh giới của bạn là cuộc kiếm tìm của bạn
(Rumi Tinh tuyệt, tr 64, NXB Hội Nhà Văn, 2019)
Đừng lầm nó với những lời tường minh giản đơn; Rumi rối rắm như đạo Zen (thiền học) đấy. Ví như:
Sao bạn vẫn ở trong tù
khi cánh cửa đã mở rộng lắm rồi?
Những điều đó gợi tôi nhớ đến một câu chuyện được Rumi kể: Có một người bạn gửi một tấm thảm cầu nguyện cho một người trong ngục. Tuy nhiên, điều mà ông ta muốn lại là chiếc chìa khóa hay cái giũa, ông muốn bẻ khóa. Dầu vậy, ông bắt đầu ngồi trên tấm thảm và cầu nguyện. Rốt cục ông cũng để ý đến một họa tiết lạ trên tấm thảm. Ông thiền tư về nó, và nhận ra rằng đó là một đồ hình của chiếc chìa khóa giúp ông thoát ngục. Sau đó việc vượt ngục diễn ra thật dễ dàng…
Chuyện vượt ngục diễn ra thật dễ dàng sau khi bạn đọc những bài thơ này. Bạn có thể tìm thấy chính mình, cũng như Rumi, rằng:
Ngày lại ngày tôi suy ngẫm
Đêm lại đêm tôi buột miệng thốt lên
“Tôi từ đâu tới, tôi đang làm gì?”
Tôi không biết.
Linh hồn tôi tới từ đâu đó, hẳn vậy rồi
và tôi sẽ kết thúc tại khởi đầu
(Rumi Tinh tuyệt, tr 41, NXB Hội Nhà Văn, 2019)
Lê Minh Tân dịch
Nguồn: Huffpost