Đây là một công trình kỳ công của các tác giả kể về lịch sử nước Mỹ từ sau nội chiến Mỹ (1865) đến tận năm 2018, thời của Donald Trump. Việc tóm lược nội dung của 1 cuốn sách dày 800 trang trong vài dòng gần như là điều không thể, nhưng mình muốn review những điểm nổi bật nhất mà mình rút ra được từ cuốn sách này để giúp các bạn yêu thích lịch sử có cái nhìn đa chiều hơn về nước Mỹ cũng như giúp mọi người có cái nhìn cẩn trọng trước những gì được truyền thông, đặc biệt là truyền thông phương Tây tô vẽ về các vấn đề của thế giới.

1. Quy luật lặp đi lặp lại của nước Mỹ: chiến tranh, xung đột, chia rẽ, quyền lực (và lợi nhuận)
Đây là những điều nước Mỹ đã tạo ra và thúc đẩy trong xuất gần 1 thế kỷ vừa qua. Nước Mỹ luôn tự tô vẽ bản thân là những người bảo vệ tự do và dân chủ nhưng thực tế lại sẵn sàng loại bỏ những tổng thống của các quốc gia khác nếu tổng thống đó không theo Mỹ cho dù họ có được bầu cử 1 cách dân chủ. Khi cần thì sẵn sàng đem quân đội đến để lật đổ và dựng lên 1 chính phủ bù nhìn (thường là đầy tham nhũng và độc tài, không ngại bạo lực), những người sẽ đối xử tử tế với các tập đoàn của Mỹ. Những điều này mình đã review trong cuốn: Lời thú tội của một sát thủ kinh tế và Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ của tác giả John Perkins. Tuy nhiên cuốn sách này lại cho thấy Mỹ không chỉ tạo ra xung đột ở từng quốc gia mà còn tạo ra hoặc thúc đẩy nó ở quy mô toàn cầu trong khi vẫn đóng vai kẻ bảo vệ tự do. Ví dụ như sau:
- Mỹ đã thu lợi lớn từ tài chính và vũ khí khi hỗ trợ cả 2 phe trong thế chiến I và đã từng nhắm mắt làm ngơ trước sự phát triển và xâm lược của phe phát xít (như vụ Đức xâm lược Áo, Tiệp Khắc, Nhật xâm lược Trung Quốc ngay trước khi thế chiến II nổ ra). Thậm chí 1 số tập đoàn của Mỹ như Ford, General Motor còn từng trợ giúp cho nước Đức của Hitler phát triển các ngành công nghiệp trước thế chiến II (Henry Ford còn hồn nhiên nói với công chúng rằng Đức không tiến hành chiến tranh đâu trong khi ông đã hỗ trợ các xe tải hạng nặng để trở binh lính và vũ khí còn nước Đức mới tham gia thế chiến I cách đó có 20 năm). Không chỉ có vậy, Liên Xô đã thấy rõ nguy cơ chiến tranh với Đức và đã kêu gọi phương Tây (gồm Mỹ, Anh, Pháp) phối hợp để kìm hãm Đức nhưng đều bị phương Tây bỏ qua. Kết quả là Liên Xô ký hiệp ước không xâm phạm với Đức vì không muốn 1 mình đương đầu với Đức.
- Mỹ đã cố tình kéo dài thế chiến II, thông qua 2 việc.
- 1 là chậm mở mặt trận phía Tây để kéo dãn quân Đức về phía Tây, giảm áp lực cho Liên Xô. Sau khi nhận ra người Liên Xô đang tiêu diệt được rất nhiều người Đức trên đất Liên Xô, Mỹ đã chọn cách đứng nhìn 2 nước diệt lẫn nhau. Và dù có hứa tăng viện trợ cho Liên Xô để chống Đức cùng với đó là việc mở mặt trận phía Tây từ đầu năm 1943 nhưng cuối cùng viện trợ đến Liên Xô thì nhỏ giọt (mình nhớ ko nhầm là chỉ bằng 1 nửa trong thời gian dài so với lời hứa) còn mặt trận phía Tây phải đến tháng 6.1944 mới được mở ra tại trận Normandie.
- 2 là sau khi Đức thất bại, Nhật Bản nhận thấy rõ là bản thân không thể thắng cuộc chiến này nên đã tìm cách thương lượng với Liên Xô và Mỹ để đầu hàng và kết thúc chiến tranh. Nhưng Liên Xô thì làm ngơ còn Mỹ thì ép Nhật phải đầu hàng vô điều kiện (chữ vô điều kiện làm người Nhật nghĩ họ sẽ không giữ được Thiên Hoàng và Ngài sẽ bị xét xử sau chiến tranh). Cho đến khi Mỹ ném thành công 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật và Liên Xô tuyên chiến với Nhật thì lúc này Nhật mới chịu đầu hàng vô điều kiện. Và các tác giả cho rằng nguyên nhân chính thúc đẩy Nhật đầu hàng không phải do 2 quả bom nguyên tử mà do lo sợ Liên Xô tấn công vì Nhật không thể chống lại 1 lúc 2 đế quốc. Truyền thông phương Tây hay vẽ nên câu chuyện Mỹ ném bom xong thì Nhật đầu hàng do lo sợ còn trước đó với tinh thần quyết tử kiểu võ sĩ đạo nên Nhật không chịu hàng. Nhưng mình đã bỏ qua mất việc những người đứng đầu Nhật Bản không hề mất lý trí như thế. Họ hiểu rất rõ rằng họ đang thua và để giữ vị thế trên bàn đàm phán, họ vẫn phải chiến đấu ngoan cường (giống chiến tranh Việt Nam – Mỹ, vẫn đánh khô máu cho đến khi đạt được thỏa thuận). Họ đã sẵn sàng để đầu hàng rồi nhưng phe đồng minh không cho họ cơ hội để làm điều đó cho đến khi Mỹ thả bom để thị uy sức mạnh trước toàn thế giới và Liên Xô thì tấn công đạo quân Quan Đông của Nhật.
- Mỹ đã khơi mào chiến tranh lạnh. Sau khi thế chiến II kết thúc, Liên Xô đã ngỏ ý muốn hợp tác với Mỹ để duy trì trật tự và mong muốn Mỹ sẽ cho Liên Xô vay tiền để khôi phục kinh tế như đã làm với Anh. Và Mỹ đã không làm điều đó rồi bắt đầu có những tuyên bố, tuyên truyền về sự nguy hiểm của chủ nghĩa Cộng Sản và tham vọng của Liên Xô. Kế đến Mỹ và Phương Tây bắt đầu hành động loại bỏ các chính phủ hoặc đảng phái cộng sản tại 1 số quốc gia như Hy Lạp khiến Liên Xô lo sợ và bắt đầu làm điều tương tự, từ đó chiến tranh lạnh cùng cuộc chạy đua vũ trang và các cuộc chiến tranh ủy nhiệm chính thức bắt đầu và kéo dài đến năm 1989 bất chấp việc trong giai đoạn đó, Liên Xô đã vài lần ngỏ ý kết thúc chiến tảnh lạnh để dành nguồn lực cho phát triển kinh tế thay vì công nghiệp nặng và quốc phòng
- Mỹ đã thúc đẩy chủ nghĩa hồi giáo cực đoan tại Trung Đông phát triển với ý định lúc đầu để chống lại Liên Xô, bất chấp việc họ có thể hình dung sau này chủ nghĩa cực đoan này có thể làm gì với chính nước Mỹ.
- Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ đã hoan nghênh việc Nga rút quân khỏi các nước Đông Âu mà không áp đặt thể chế chính trị nào. Thậm chí rất có thể đã có 1 lời hứa từ Mỹ với Tổng bí thư Gorbachev của Liên Xô rằng Mỹ sẽ không mở rộng Nato về phía Tây để đảm bảo an ninh cho Nga. Nhưng sau đó Mỹ lại làm điều ngược lại khi liên tục mở rộng Nato về phía Đông. Thậm chí tổng thống Bush tuyên bố sẽ kết nạp Ucraina (nước ngay bên cạnh Nga) vào Nato năm 2008 (nhưng 14 năm vẫn chưa kết nạp xong). Và việc này dẫn đến điều gì thì chúng ta đã chứng kiến.
Bằng việc liên tục thúc đẩy những mối đe dọa đối với thế giới, Mỹ dễ dàng hợp pháp hóa các cuộc chiến tranh (ít nhất là lúc đầu) vốn được sử dụng để tăng cường quyền lực, chiếm đoạt tài nguyên hay làm giàu cho các tập đoàn vũ khí. Mà cái hay của Mỹ là liên tục làm mới được những mối đe dọa, từ chủ nghĩa Phát xít với Đức, Nhật, đến chủ nghĩa Cộng sản với Liên Xô, kế đó là chủ nghĩa khủng bố như Binla Đen và IS, còn bây giờ là Nga. Cứ sau 1 thời gian nỗi sợ cũ phai nhạt thì người dân Mỹ lại được đón nhận những nỗi sợ mới để từ đó đồng thuận với các chính sách về quân sự của Chính phủ. Và đến khi người dân Mỹ mệt mỏi với chiến tranh hay nhận ra những sự không chính đáng của cuộc chiến (như chiến tranh Việt Nam hay I-rắc), Mỹ chỉ cần đợi hết 2 nhiệm kỳ Tổng thống để nói rằng đây là chính sách của Tổng thống A hay B và người dân chỉ cần bầu ra 1 Tổng thống mới là xong. Nhưng chiến lược tạo xung đột này dường như là xuyên suốt kể từ sau thế chiến I cho đến tận bây giờ, bất chấp việc ai hay đảng nào đang nắm quyền tại Mỹ.
Nguồn: Nam Tran