Nước Mỹ chuyện chưa kể

“Nước Mỹ chuyện chưa kể” dày 1020 trang, bìa cứng.
Nằm trong Tủ sách Kiến tạo của Book Hunter.
Được cấp phép bởi NXB Đà Nẵng, 2020.
Giá sách: 600.000 VNĐ
Phí ship: 25.000 VNĐ (Nội thành hà Nội) – 35.000 VNĐ (Toàn quốc)
Chính thức phát hành: Ngày 21/12/2020.
Người dịch: Lê Ái, Trần An, Vương Minh Thu, Nguyễn Phương Mạnh, Bùi Minh Hùng, Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Minh Tuấn, Đinh Hoàng Giang, Nguyễn Minh Thanh.
Hiệu đính: Lê Duy Nam, Hà Thủy Nguyên
50% lợi nhuận từ cuốn sách sẽ được sử dụng để hỗ trợ Dự án Project Renew nhằm rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh tại Quảng Trị của các cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam.
Đặt sách để ủng hộ quỹ hoạt động rà phá bom mìn tại Quảng Trị
Tại sao Book Hunter chọn dịch cuốn sách Nước Mỹ chuyện chưa kể?
Trong những năm gần đây, nước Mỹ trở thành một biểu tượng của hình mẫu xã hội đáng sống và các bạn trẻ Việt Nam phần nhiều đều nuôi ước mơ du học Mỹ. Mỹ và Việt Nam, từ cựu thù trở thành bạn bè và 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao thực sự đã giảm bớt suy nghĩ xem Mỹ như kẻ thù trong lòng người dân Việt Nam. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Mỹ, các trường đại học hợp tác đào tạo với Mỹ, các trung tâm tư vấn du học Mỹ mọc lên như nấm sau mưa. Cùng nhau hai quốc gia hướng tới tương lai hợp tác hữu nghị, hòa bình và văn minh.
Tuy nhiên để đi đến một tương lai vững chắc, chúng ta không thể không soi chiếu lịch sử một cách kỹ lưỡng. Trái với hình dung về một nước Mỹ “thiên đường”, nước Mỹ cũng phải đối mặt với sự chia cách, rạn nứt, bất hòa. Đó là một nước Mỹ mà người dân không còn tin tưởng vào chính quyền, dù chính quyền ấy được hoán đổi theo từng nhiệm kỳ. Đó là một nước Mỹ của bạo lực và chiến tranh. Đó là một nước Mỹ mà những tiếng nói tự do không dễ dàng gì được cất lên… Mô hình lưỡng Đảng tại Mỹ tưởng như đảm bảo cho tính dân chủ lại đang trở thành cản trở cho nền dân chủ.
Để hiểu hơn về một nước Mỹ đã nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 thế giới trong thế kỷ 20 đồng thời cũng nhen nhóm những mầm mống dẫn đến sự suy yếu, chúng tôi đã tìm hiểu về lịch sử Mỹ và bắt gặp tác phẩm “Untold history of the United States” của Peter Kuznick và Oliver Stone (tên tiếng Việt do Book Hunter dịch: “Nước Mỹ chuyện chưa kể”). Bị thuyết phục bởi nguồn tư liệu đồ sộ của cuốn sách và cái nhìn trái chiều với tất cả niềm tin hiện nay về nước Mỹ, Book Hunter đã chọn dịch và xuất bản cuốn sách này.
Có gì trong Nước Mỹ chuyện chưa kể?
Cuốn sách gồm 15 chương, bắt đầu từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1912 với sự đắc cử của Woodrow Wilson, một người sau đó đã làm tổng thống Mỹ suốt từ năm 1913-1921 và đóng vai trò quyết định lên con đường đưa nước Mỹ trở thành bá chủ thế giới; đến năm 2018 với nước Mỹ những năm đầu dưới thời tổng thống Trump.
Đầu cuốn sách, hai tác giả phân tích hiến lược mà Wilson đã sử dụng để đưa nước Mỹ tới vinh quang đó là tận dụng lợi thế địa chính trị của Mỹ, tách biệt khỏi đại lục Á-Âu, nơi các nền văn minh lớn của nhân loại đang tranh chấp. Nước Mỹ chọn cách trở thành ngân hàng của thế giới, cung cấp tài chính và vật lực cho cả hai phe trong Thế chiến I. Wilson phát biểu tại Hội nghị Ngoại thương 1914 rằng: “Không có gì khiến tôi quan tâm hơn việc phát triển trọn vẹn nhất thương mại Mỹ và quyền chinh phục chính đáng của Mỹ ở thị trường nước ngoài.” Và toàn bộ thế kỷ XX đã chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng của các tập đoàn kinh tế Mỹ. Kết thúc Chương 1 là một thế giới lộn xộn, tan nát và bất mãn tràn ngập khắp nơi, Đại Khủng hoảng gây ra nghèo đói sâu rộng.
Chương 2 và Chương 3 của Nước Mỹ chuyện chưa kể bắt đầu và kết thúc bằng hơn hai nhiệm kỳ của Franklin Roosevelt, một con người kiệt xuất nhưng không thể đảm đương hết mọi việc. Vào năm 1933, khi Roosevelt nhậm chức, nước Mỹ bị sa lầy trong năm thứ tư của cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 25 phần trăm. GNP đã sụt giảm 50 phần trăm. Vào năm 1945, Roosevelt đột ngột qua đời trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 3, Nước Mỹ đã và đang cùng Liên Xô đẩy lùi sự tham lam điên rồ của chủ nghĩa Phát-xít Đức, Ý và Nhật. Roosevelt đã dũng cảm đương đầu với nhóm tài phiệt tham lam phố Wall, dù vẫn phải thỏa hiệp, tìm cách hợp tác cùng chủ nghĩa Cộng sản tại Liên Xô để thiết lập hòa bình thế giới. Tuy nhiên kế hoạch lớn chưa thành thì Roosevelt đột ngột qua đời và người kế nhiệm, Harry Truman, đã quay ngoắt thái độ với Liên Xô, lôi quả bom nguyên tử vừa được chế tạo thành công ra đe dọa thế giới, nắm thế độc đoán trong các hiệp nghị hậu Thế chiến II, và từ đó đưa thế giới bước vào Chiến tranh Lạnh.
Từ chương 4 tới chương 12, cả thế giới dưới ngòi bút của Peter Kuznick và Oliver Stone trong Nước Mỹ chuyện chưa kể như bị nhuốm trong một màu xám ảm đạm. Chiến tranh Lạnh nổ ra giữa hai cường quốc đi đầu thế giới: Mỹ và Liên Xô. Kéo dài 43 năm từ 1945-1988, hai quốc gia chưa từng trực tiếp đối đầu nhau vì e sợ một cuộc tự sát bằng bom nguyên tử đến từ cả hai phía đã lựa chọn các cuộc chiến ủy nhiệm (proxy war) để tranh giành ảnh hưởng lên các vị trí trọng yếu.
Vì tham vọng và định kiến của mình, họ đã tung tiền, tung vũ khí, gây áp lực lên các quốc gia nhỏ bé hơn để chiến đấu chống lại chính những người dân của mình. Thế cục ảm đạm và gầm gừ nhau đột nhiên chấm dứt vì những con người sẵn sàng sống chung trong hòa bình với những người nói khác thứ tiếng, sống ở những nền văn hóa khác, có những niềm tin khác…Thế nhưng lộ trình hòa bình bắt đầu từ 1988/1989 vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những lực lượng muốn níu giữ vị trí bá quyền của Mỹ vẫn liên tục trỗi dậy nhằm mang cỗ máy vũ khí của Mỹ đến những nơi có ý định thách thức vị trí bá chủ của Mỹ.
Chương 13,14 và 15 của cuốn sách Nước Mỹ chuyện chưa kể đã mô tả lịch sử Mỹ khi bước vào Thiên niên kỷ mới bằng bi kịch 11/9/2001 khi biểu tượng kinh tế của Mỹ, hai tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới WTC, đã bị khủng bố phá hủy toàn bộ và chôn vui gần 3000 người, làm bị thương hơn 6000 người khác. Nước Mỹ lại bắt tay vào một cuộc trả thù, săn đuổi Bin Laden trên toàn thế giới. Bất cứ đâu Mỹ nghi ngờ có sự xuất hiện hoặc tương trợ cho khủng bố thì Mỹ đều có thể cử quân đội cũng như máy bay không người lái tới để tiêu diệt. Thẩm quyền của quân đội Mỹ mặc nhiên đã bao phủ toàn thế giới thông qua Luật Ủy quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự (AUMF) được thông qua ngày 18/9/2001 cho phép tổng thống Mỹ quyền sử dụng mọi “lực lượng phù hợp và cần thiết” để chống lại những kẻ tổng thống xác định là đã “lên kế hoạch, ra quyết định, thực hiện hoặc hỗ trợ” những cuộc tấn công ngày 11/9, hoặc những ai che giấu, bảo vệ những kẻ hoặc nhóm ở trên. Những tiếng nói nhằm chống lại sự lộng quyền của tổng thống Mỹ xuất hiện một cách yếu ớt và chậm chạp.
Mãi tới năm 2017, khi đưa ra luật bãi bỏ AUMF vào tháng 2/2017, nữ nghị sĩ Barbara Lee đã bỏ phiếu chống lại luật AUMF ban đầu vào năm 2001, nói rằng tại thời điểm đó, nó đã được sử dụng để biện minh cho 37 hành động quân sự ở 14 quốc gia. Đến tận thời điểm này, khi cuốn Nước Mỹ chuyện chưa kể được phát hành tại Việt Nam thì luật ủy quyền AUMF vẫn chưa có dấu hiệu bị bãi bỏ.
Việc đổ xô đi phục vụ đất nước của các nhà hóa học Mỹ là theo chân của các đồng nghiệp châu Âu. Hoạt động nghiên cứu hóa học của Đức được tập trung tại Học viện về Hóa Lý và Điện Hóa Kaiser Wilhelm danh giá, nơi những ngôi sao như Fritz Haber, James Franck, Otto Hahn, Walther Nernst, và Richard Willstätter làm việc. Giám đốc học viện Haber kêu gọi mọi người đi theo thông điệp “khoa học… thuộc về nhân loại trong thời bình và tổ quốc trong chiến tranh.” Tại Đại Anh, các nhà khoa học từ phòng thí nghiệm đã thử nghiệm 150.000 hợp chất hữu cơ và vô cơ nhằm khám phá ra loại độc dược kinh khủng hơn nữa. Chỉ riêng cơ sở lớn nhất đã tuyển hơn một ngàn nhà khoa học.
Trang 61, Chương 1, Nước Mỹ chuyện chưa kể, NXB Đà Nẵng, 2020
Hai tác giả Oliver Stone & Peter Kuznick viết cuốn sách như thế nào?
Trong xã hội tương lai tiêu cực của Bradbury, văn hóa đại chúng bị hủy hoại đã phá hủy cuộc sống thông minh. Lính cứu hỏa thì đốt sách. Ngày học bị rút ngắn. Chính quyền cấm những ý tưởng trái ngược. Các gia đình tự rào quanh họ bằng những “bức tường” truyền hình, và sử dụng các tập tin đính kèm và kịch bản đặc biệt, hòa mình vào những câu chuyện của những gia đình kiểu “parlor.” Họ chẳng hề để ý tới những chiếc máy bay chiến đấu đang cất cánh tới những cuộc chiến họ cũng chẳng hề biết tới.
Trang 721, Chương 15, Nước Mỹ chuyện chưa kể, NXB Đà Nẵng, 2020
Cuốn sách Nước Mỹ chuyện chưa kể được xuất bản lần đầu vào năm 30/10/2012 bởi nhà xuất bản Simon&Schuster, được phát hành để giúp những ai không có điều kiện xem TV series Nước Mỹ chuyện chưa kể trên Netflix, hoặc những ai đã xem series này mà chưa thỏa mãn và muốn tìm đọc kỹ lịch sử Mỹ thế kỷ XX hơn.
Khi Oliver lần đầu được mời tới giảng đường môn Lịch sử Mỹ do Peter đứng giảng tại Đại học American thì hai ông nhanh chóng trở thành bạn và cũng ấp ủ một bộ phim tài liệu về nước Mỹ. Nhưng phải tới 2008 khi Oliver thực sự nghiêm túc về việc nhìn thẳng vào các vấn đề mà nước Mỹ đang gặp phải, sau 8 năm dưới chế độ Bush với các cuộc xâm lược Trung Đông và khủng hoảng kinh tế, thì Oliver mới tới tìm Peter để học kỹ về lịch sử Mỹ. Chính trong cuộc gặp này mà Oliver, Peter và nhà biên kịch Matt Graham bắt tay vào thực hiện series phim tài liệu Oliver Stone’s Secret History of America cho đài Showtime. Tuy nhiên Peter đã phản đối việc sử dụng từ Secret (bí mật) vì những tư liệu lịch sử hai ông sử dụng đều là những tư liệu lịch sử xuất hiện trên các tờ báo lớn như New York Times, Washington Post và đều sử dụng các văn bản pháp lý chính thức làm bằng chứng mà không phải là những tư liệu lịch sử bị che giấu. Cuối cùng hai ông đã đổi tiêu đề ấy thành Nước Mỹ chuyện chưa kể (The Untold history of the United States). Bản thảo mà Book Hunter sử dụng để dịch chính là bản mới nhất, tái bản 2019 có bổ sung thêm lịch sử Mỹ từ 2012-1018.
Oliver trước khi trở thành nhà làm phim đã từng tham chiến tại Việt Nam từ năm 1967-1968 và hai lần bị thương. Cuộc chiến đã trở thành nỗi ám ảnh của ông và là nguồn cảm hứng cho ông thực hiện 4 thước phim tài liệu. Ông đã trở thành một nhà làm phim nổi tiếng với các bộ phim thách thức lịch sử, thách thức khán giả, luôn đi vào những đề tài khó nhằn như chiến tranh Mỹ-Việt Nam, JFK, Nixon, Snowden…
Peter Kuznick là chuyên gia hàng đầu về lịch sử Mỹ thế kỷ XX. Ông nắm rõ lịch sử về bom hạt nhân trong lòng bàn tay. Ông đã thỉnh giảng ở nhiều nước trên thế giới về vấn đề bom hạt nhân cũng như lịch sử Mỹ thế kỷ XX.
Sự tức giận của công chúng đối với các nhà băng đã tích lũy dần từ khi thị trường chứng khoán sụp đổ. Năm trước đó, vào tháng 2/1932, nhà báo Anne O’Hare McCormick của tờ New York Times đã mô tả sự căm ghét đối với nhà băng phố Wall lan rộng khắp đất nước: “Ở một đất nước đã chịu đựng hơn 2.000 sự cố nhà băng năm ngoái … có xu hướng đổ lỗi cho nhà băng về mọi thứ xảy ra trong và ngoài nước … ít nhất trong một thế hệ gần đây thì chưa khi nào cảm giác căm ghét đối với các ông trùm tiền tệ lại cao đến vậy … Người dân thường đã luôn nghi ngờ đạo đức của hệ thống tài chính, nhưng giờ đây cảm giác ghê tởm của họ còn tăng lên: họ nghi ngờ cả trí thông minh của nó.”
Trang 90, Chương 2, Nước Mỹ chuyện chưa kể, NXB Đà Nẵng, 2020
Book Hunter đã dịch "Nước Mỹ chuyện chưa kể" trong năm 2020 như thế nào?
Cuốn sách đồ sộ với hơn 300.000 chữ và hàng trăm thuật ngữ lạ lẫm được phân công cho 9 người dịch để đảm bảo tiến độ của cuốn sách. Sự thống nhất thuật ngữ, văn phong trong toàn bộ cuốn sách trở thành thách thức đối với đội dịch của Book Hunter.
Một bản quy tắc dịch đã được Book Hunter thảo ra, cùng với bảng thuật ngữ của cuốn sách. Trong vòng 4 tháng (từ cuối tháng 12 năm 2019 đến tháng 4 năm 2020), các dịch giả đã hoàn thành phần dịch thô của cuốn sách. Trong quá trình này, người dịch cập nhật lựa chọn dịch thuật ngữ của mình để các thành viên khác trong đội có thể nắm bắt và điều chỉnh.
Sau đó, cuốn sách được biên tập 3 lần: Một lần đối chiếu Anh – Việt, một lần soát lỗi diễn đạt tiếng Việt, một lần soát lỗi trình bày.