Tiểu thuyết dã sử Thiên Địa Phong Trần tập 1 : Khúc Cung Oán về cuộc đời nhà thơ Nguyễn Gia Thiều

Thiên địa phong trần Hà Thủy Nguyên Book Hunter

Thiên địa phong trần tập 1 – Khúc cung oán” dày 288 trang khổ 12X20,5cm

Nằm trong Tủ sách Book Hunter

Được cấp phép bởi NXB Hội Nhà Văn, 2019

Giá sách: 130.000 VNĐ

Phí ship: 25.000 VNĐ (Nội thành hà Nội) – 35.000 VNĐ (Toàn quốc)

Chính thức phát hành: 10 tháng 5 năm 2019

Tác giả: Hà Thủy Nguyên

Đặt sách tại đây:

Tiểu thuyết dã sử Thiên Địa Phong Trần tập 1 - Khúc cung oán: Một góc nhìn khác về nhà thơ Nguyễn Gia Thiều

Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741 – 1798) nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam với bài thơ Nôm “Cung oán ngâm khúc” bày tỏ những nỗi niềm của người cung nữ trong cung cấm. Tuy nhiên, chúng ta thường chỉ biết về Nguyễn Gia Thiều như một nhà thơ đại tài mà gần như không biết đến con người chính trị của ông.

Cuốn tiểu thuyết dã sử Thiên Địa Phong Trần tập 1: Khúc Cung Oán của nhà văn Hà Thủy Nguyên khai thác khía cạnh chính trị của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều với cương vị của một quý tộc, một quan đô úy ở Thăng Long, người được Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm hết mực sủng ái nhưng cũng luôn đề phòng.

Với cương vị ấy, sự mâu thuẫn luôn giằng xé Nguyễn Gia Thiều: con người nghệ sĩ, con người chính trị, con người nhân nghĩa, con người thoái ẩn… 

Bắt đầu từ sự kiện thái tử Lê Duy Vỹ bị Trịnh Sâm mưu hại, Nguyễn Gia Thiều cùng với Nguyễn Khản đã mưu tính kế sách lâu dài để cứu hoàng tôn Lê Duy Khiêm, lập đổ quyền lực của chúa Trịnh. Phần 1 “Khúc cung oán” kết thúc khi hoàng tôn Lê Duy Khiêm được phóng thích, đánh dấu những biến loạn mới trong phần 2. 

 

“Đó là một cuộc trả thù ư? Không! Đó là một cuộc đảo chính ư? Không! Đó là một sự tri ân dành cho Duy Vỹ ư? Cũng không phải! Hay đó chỉ là một nỗ lực vì không gì cả? Lê Duy Khiêm có thể trở thành một bậc quân vương chân chính hay không, chàng không thể biết chắc. Thế cục này liệu sẽ an hay loạn, chàng cũng không đoán trước được, nhưng tất thảy là một sự văng đến vận hạn của số mệnh. Mười một năm qua, từ một tướng quân hào hoa phong nhã, chàng đã thấy mình bệ rạc đi rất nhiều cả thể xác và tinh thần. Tóc chàng tuy không điểm bạc như những người cùng trang lứa, nhưng tim chàng thì đã bạc từ lâu. Bên trong chàng lúc này không thể đạt nổi sự trống rỗng bởi một nỗi sầu che lấp, nỗi sầu của thời thế và thời gian.”

Trích "Thiên địa phong trần tập 1: Khúc cung oán" của nhà văn Hà Thủy Nguyên

Cuốn sách là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sử liệu, các văn bản văn chương và trí tưởng tượng, cùng với lối văn chương duy mỹ đậm màu sắc Á Đông đã trở thành phong cách chủ đạo của Hà Thủy Nguyên. 

Về nhân vật Nguyễn Gia Thiều

Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều là quý tộc xuất chúng thuộc gia tộc Nguyễn Gia có gốc tích tại Gia Miêu ngoại trang (nay thuộc Thanh Hóa). Gia tộc Nguyễn Gia vốn là con cháu của Tĩnh Vương Nguyễn Kim, cùng dòng dõi với các chúa Nguyễn tại Đàng Trong.

Trong số các con em quý tộc, Nguyễn Gia Thiều được chúa Trịnh Doanh (cha của Trịnh Sâm) rất yêu mến vì tài hoa xuất chúng, đưa vào phủ chúa để học cùng các con của mình. 

Năm 18 tuổi, ông giữ chức Hiệu úy quản Trung mã tả đội, sau đó thăng dần lên làm chỉ huy Thiêm sự tức Đô chỉ huy sứ, chuyên trách cai quản quân sự tại kinh thành. 

Năm 1782, ông được thăng làm Tổng binh coi giữ xứ Hưng Hóa – một khu vực phức tạp và thường xuyên đương đầu với các cuộc tấn công của quân Thanh; đồng thời nhận sắc phong Ôn Như Hầu. 

Năm 1786, khi Tây Sơn kéo quân ra Bắc diệt Trịnh, Nguyễn Gia Thiều đưa ra đình lánh đến Hưng Hóa. 1789, Tây Sơn đại thắng, cướp ngôi của nhà Lê, Quang Trung mong muốn thu phục Nguyễn Gia Thiều nhưng ông đã cáo bệnh từ chối.

...tôi viết để cố cắt nghĩa về thời loạn và phân tích cách lựa chọn thái độ của các trí thức trước thời loạn. Đó là lý do tôi chọn Nguyễn Gia Thiều, tác giả của “Cung oán ngâm khúc” làm nhân vật chính...

Thiên địa phong trần tập 1- Khúc cung oán đã gợi mở nhiều suy tư

Nhà văn Hà Thủy Nguyên khi viết “Thiên địa phong trần” cũng trung thành với nhân vật, sự kiện lịch sử. Có thể nói, lịch sử là phương tiện để chị sáng tạo và gửi gắm những thông điệp riêng và lịch sử đã được viết lại bằng tư tưởng của nhà văn. Với mong muốn, tiểu thuyết lịch sử sẽ làm cho giới trẻ yêu thích lịch sử hơn, Hà Thủy Nguyên đồng thời mang đến một bài học về ngôn ngữ tiếng Việt qua tác phẩm của mình. Hơn 300 trang sách cô đọng, nén, gợi. Ở đó không có sự dàn trải của sự kể, tả thông thường. Nhà văn tiết giảm tối đa những chi tiết, từ ngữ không cần thiết để mọi thứ được đề cập đến có vai trò, chỗ đứng thực sự trong tác phẩm

Nói về tác phẩm,nhà nghiên cứu. Tạ Đức cho biết, văn nhân Nguyễn Gia Thiều là một nhân vật khiến ông hứng thú. Tư liệu lịch sử về thời Lê Mạc rất nhiều tuy nhiên về Nguyễn Gia Thiều lại rất ít. Không cảm nhận cuốn tiểu thuyết như cách của các nhà phê bình và nghiên cứu, nhưng ở góc độ một nhà dân tộc học, TS. Tạ Đức hoàn toàn tôn trọng những sáng tạo và hư cấu của nhà văn.

Tôi không có tư duy phê phán nhân vật qua tiểu thuyết lịch sử, chỉ đọc để cảm nhận theo tư duy của tác giả. Với chúng tôi, khi viết lịch sử phải dùng tư duy khác, cách viết khác, “nói có sách, mách có chứng”, nhiều khi có quyền suy luận nhưng trong một giới hạn nhất định. Còn các nhà văn, họ đã mở rộng tầm nhìn lịch sử, truyền cảm hứng lịch sử tới độc giả và thế hệ trẻ”

Đối với tôi, Hà Thủy Nguyên viết Thiên địa phong trần chính là để khóc thương cho những con người trong thời đại “nổi cơn gió bụi ấy”. Họ có khác gì những người cung nữ, người chinh phụ trong thơ Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn. Sắc đẹp? Tài giỏi? Quyền lực? Phong lưu?... Tất cả rồi sẽ tan thành mây khói trước cơn ba đào của lịch sử và sự đổi thay của lòng người.

Review của facebooker Nguyễn Việt Hà

“Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân
Du du bỉ thương hề thuỳ tạo nhân?”
 
“Thiên địa phong trần” là một cuốn sách mà như Hà Thuỷ Nguyên nói, viết về một cuộc loạn lạc. Thời loạn mà Hà Thuỷ Nguyên đã chọn là thời của vua Lê – chúa Trịnh. Cái thời mà “những thế lực chính trị đối chọi với nhau gay gắt, khi những phẩm cách của con người trái chiều với nhau đến cực đỉnh, khi sự thật bị che đậy bởi tin đồn và thứ lịch sử của kẻ thắng cuộc tô vẽ nên, khi nỗi đau chỉ có thể gửi gắm nơi văn chương và nghệ thuật chứ không thể biến thành hành động.”
 
Nhân vật trung tâm của “Thiên địa phong trần” là Nguyễn Gia Thiều. Nguyễn Gia Thiều là người tài cao chí lớn, nhưng lại giống như chim ưng có cánh mà không thể bay. Người ngoài nhìn vào thấy chàng kiêu bạc mà nhàn tàn, lại chẳng biến lòng chàng lúc nào cũng như biển sâu sóng dữ, chẳng mấy khi được yên. Nhà họ Trịnh thao túng thế cục, hoàng thất nhà Lê cam chịu làm bù nhìn, có hư danh mà chẳng có thực quyền. Nguyễn Gia Thiều muốn là muốn một thiên hạ thái bình, muốn phục dựng lại nhà Lê hùng mạnh xưa kia, đất nước thái bình, muôn dân ấm no. Thế nhưng vua Cảnh Hưng chỉ biết mềm mà không biết cứng, sợ sệt họ Trịnh mà cũng chẳng trọng nhân tài. Thái tử Duy Vỹ cũng có cái chí lớn như Thiều, nhưng rốt cuộc vẫn không tránh khỏi số phận bị người ta ám hại, một bình rượu độc, dứt mệnh trong tù.
 
Đọc “Thiên địa phong trần” mới hiểu được, muốn chọn minh chủ để phò tá chẳng phải dễ. Người chung chí với mình lại chưa đủ quyền lực, người có đủ quyền lực lại dùng cái quyền lực ấy khiến gian thời loạn lạc. Trịnh Sâm chỉ biết ăn chơi hưởng thụ, nên dù khi ấy họ Trịnh nắm quyền, Nguyễn Gia Thiều vẫn chẳng theo y. Thái tử Duy Vỹ sức mạnh chưa đủ, nhưng mang chí phục dựng một Đại Việt vàng son xưa kia; cũng giống như Thiều, vì thế Thiều đã định sẽ hết lòng phò tá thái tử. Có điều âm mưu chính trị thì vẫn luôn vô kể, Nguyễn Gia Thiều chỉ vừa mới chọn người phò tá, lại chưa kịp làm gì thì thái tử Duy Vỹ đã mất mạng vì án oan. Đường đi đã khó nay lại càng thêm khó, thật đúng là, “Thiên địa phong trần”.
 
Vẫn biết những người nuôi chí lớn, sinh buổi loạn lạc, thì con đường họ chọn luôn chẳng dễ đi; thế nhưng đọc “Thiên địa phong trần” mới biết được nó khó khăn đến mức nào. Thiên hạ thái bình, quốc gia thịnh trị, muôn dân ấm no ai mà không muốn? Nhưng đủ can đảm để bước vào cái vòng xoáy tranh đoạt ấy lại chẳng có mấy ai. Đi con đường này, những người như Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Khản cũng đã giã từ một thời phong lưu mà dấn thân vào cuộc loạn lạc. Họ thực chẳng muốn làm như thế, nhưng nếu họ không làm, ai sẽ làm? Mình cứ nhớ mãi cái cảnh Nguyễn Khản bắt Nguyễn Gia Thiều phải hứa, hứa rằng sau khi việc thành, phải rời chốn này, “cùng ta buông tay, ta sẽ làm thơ, trò sẽ gẩy đàn… làm những kẻ phong lưu. Để người đời sau biết rằng, nơi đây không chỉ có thời loạn, mà còn có một thời phong lưu…” Nhưng cuối cùng khi thế cục dường như đã định, Thiều lại hỏi Khản rằng, còn có thể rút lui được ư?
 
Kì thực những người tài khi xưa ấy, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Khản, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Sĩ… vẫn chỉ thường được người đời sau nhìn với tư thế của những bậc tài cao. Chúng ta không hiểu được họ đã nghĩ gì, cũng chẳng thể tường tận tâm tình của họ vào buổi chiến loạn khi ấy. Và thì, “Thiên địa phong trần” của Hà Thuỷ Nguyên đã mở ra những góc nhìn mới, đào sâu vào nội tâm của họ, đặc biệt là Nguyễn Gia Thiều. Vẫn nghĩ rằng Nguyễn Gia Thiều ngâm “Cung oán ngâm khúc” để tiếc thương cho số phận người cung nữ ư? Nhưng tại đây, Hà Thuỷ Nguyên đã đặt ra một giả thiết khác: Nguyễn Gia Thiều xướng lên khúc cung oán ấy, cũng bởi muốn nói lên tâm tình của chính mình. Những muốn thay đổi thực tại, nhưng lại cách trở bốn bề, vậy là càng thêm ai oán.
 
“Thiên địa phong trần” – Tập 1: Khúc cung oán khép lại bằng màn đối thoại của Nguyễn Khản và Nguyễn Gia Thiều. Họ đều đã biết, bước lên con đường này, chẳng thể nào rút chân được nữa. Dù cho họ đã mỏi mệt lắm, nhưng cũng chẳng thể bỏ được nữa. Và Nguyễn Gia Thiều nói, mai sau, mai sau, sẽ có những người trẻ như họ, mang trong mình chí lớn, cũng sẽ lao vào vòng xoáy này. Những người ấy cũng sẽ như họ, từ khi tuổi trẻ bừng bừng nhiệt huyết, cho đến khi thời gian thổi tuyết, chán ngán cảnh tranh đoạt. Thiên địa còn phong trần, thì cái vòng tròn tiếp nối ấy sẽ vẫn còn lặp đi lặp lại mãi…
 
Mình không thường đọc tiểu thuyết dã sử, vì ngại ghi nhớ các mốc thời gian. Thế nhưng “Thiên địa phong trần” không khô khan với những con số, những sự kiện được liệt kê máy móc. Tiểu thuyết này không nhằm cung cấp cho người đọc những điều ấy, mà tập trung mô tả lại một thời kì loạn lạc của nước ta, với những âm mưu tranh đoạt, những suy nghĩ lo toan, những mảnh tình dối trá có mà sâu nặng cũng có, và cả phục dựng lại, số phận của những người tài hoa thời ấy… Qua đây mình cũng có một góc nhìn mới về các nhân vật lịch sử. Khi còn ở trường phổ thông, các nhân vật lịch sử thường được “lí tưởng hoá”, và rằng họ lo cho nước cho dân đến không màng bản thân. Nhưng đọc xong “Thiên địa phong trần”, mình lại có suy nghĩ, họ cũng chỉ là con người mà thôi. Họ cũng đã có suy nghĩ muốn buông tay, cũng đã xót thương cho phận mình; nhưng họ biết, bản thân nhất định phải tiếp tục bước đi. Bởi tại, cái chí là của họ, nỗi lo dân lo nước cũng là của họ; nếu họ dừng lại, ai sẽ thay họ đi tiếp? Trong tương lai hẳn sẽ có, nhưng lúc ấy thì không. Sau khi đọc xong, mình càng cảm phục những vị anh hùng đã đánh đổi tự do và ý thích của bản thân mà lao vào vòng xoáy không lối thoát. Hết thảy vì đất nước. Hết thảy vì đại cục.
 
Tựu chung, “Thiên địa phong trần” là một tác phẩm rất hay. Hay từ giọng văn tới cả cách phân tích và soi chiếu lịch sử của tác giả. Điểm trừ nhỏ xíu là có vài lỗi biên tập.
 
Anw, cuốn này bromance cực mạnh á hự. Trịnh Sâm mê mệt tài năng và tiếng đàn của Nguyễn Gia Thiều, thậm chí còn có suy nghĩ, “giá mà Nguyễn Gia Thiều là thân nữ nhi thì mọi chuyện có phải đã dễ dàng hơn rồi không”, hay là Nguyễn Khản cũng đã bắt Thiều phải thề, sau khi chuyện thành, cùng nhau buông tay, sống đời phong lưu…
 
Nói thì nói thế, chứ mình cũng cảm thấy, Trịnh Sâm đối với Nguyễn Gia Thiều sủng ái, chỉ bởi y yêu mến sự tài hoa của Thiều, cũng yêu thích người tài; thế nhưng Nguyễn Gia Thiều không theo họ Trịnh, nên hết thảy sủng ái đó Thiều đều không màng. Nguyễn Khản thì bởi tri âm tri kỉ với Thiều, nên cũng chẳng đành lòng nhìn mình, nhìn Thiều cứ mãi đắm chìm trong những âm mưu tranh đoạt ấy; và thế là bắt Thiều phải hứa vậy thôi.
 

Review của facebooker Đường Triết Hỷ

“Thiên địa phong trần” kể về thời đại Lê mạt đầy biến cố mà nhân vật tập trung là Nguyễn Gia Thiều. Thiều từ nhỏ có trí thông minh hơn người, giỏi văn thơ mà cũng tốt cả binh lược. Ngay từ những trang đầu, tác giả miêu tả Thiều chí lớn, nhưng chí lớn của Thiều chỉ được thể hiện qua bức tranh. Mới đầu, tôi coi nhẹ cái chí ấy, bởi tôi nghĩ bức tranh dù đẹp, dù hùng tráng đến đâu cũng chẳng thể hiện được toàn bộ cái chí của một con người, mà một kẻ được gọi là phong lưu như Thiều thì chí lớn được bao nhiêu? Nhưng dần dần, chí lớn của Thiều mới được bộc lộ. Từ việc Thiều chọn phò tá ai, phò tá như thế nào cho đến việc Thiều chu toàn những việc ấy ra sao.
 
Nhưng chí càng lớn thì mộng càng khó thành, huống chi là giữa cái thời Lê mạt loạn lạc ấy. Thiều hết lòng muốn lập lại một triều Lê thật hùng mạnh, chọn phò tá những người chí lớn mà cương trực như Thiều. Nhưng “sinh bất phùng thời”, Thiều muốn xoay chuyển thiên hạ thì cũng phải xem xem người trong thiên hạ liệu có đồng ý để chuyển xoay, mà huống hồ khi ấy còn Trịnh Sâm, còn Duy Cận, còn Hoàng Đình Bảo,… Nên mộng chưa thành mà đã vội tan, những người Thiều chọn phò tá không lâm vào cửa tử cũng là ngục tù.
 
Đọc “Thiên địa phong trần”, lần đầu tiên tôi có một cái nhìn khác về dòng họ Ngô Thì. Năm lớp Chín, khi được học “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái, giáo viên của tôi có ca ngợi dòng họ này, và tôi cũng cho rằng họ là những kẻ thức thời nhất. Nhưng thực chất không hẳn là vậy. Hãy bắt đầu từ Ngô Thì Sĩ trước. Ông đọc sách Nho, nói đạo Nho nhưng không giữ được cốt cách của người quân tử. Quan điểm của Thì Sĩ là phò vượng chứ không phò suy. Thế nên ông chẳng thể cùng một chí với Thiều. Quan điểm của Thì Sĩ không sai, nhưng cái cách ông thể hiện thì khiến tôi đôi phần khó chịu.
 
Tiếp đó là Ngô Thì Nhậm và Ngô Thì Chí. Nhậm là người mà tôi biết đến nhiều nhất trong ba người nhà Ngô Thì xuất hiện trong tác phẩm này. Chỉ đơn giản là những lời thơ của Nhậm là thi liệu văn học cho rất nhiều bài làm văn của chúng tôi. Nhậm từng có tư tưởng giống cha, coi Khản và Thiều là những bậc phong lưu với cái chí hạn hẹp, chỉ biết đàn hát thơ ca, nhưng Nhậm nhận ra được chí của Thiều lớn chừng nào, và cũng sẵn sàng nể phục cái chí ấy. Và Ngô Thì Chí có lẽ là người tôi quý mến nhất. Một chữ “Dịch” trong buổi đàm đạo thơ ca của Thiều tổ chức cũng nói lên hết được cái chí lớn chẳng kém của Thiều.
 
Và bất cứ ai đọc “Thiên địa phong trần” cũng sẽ cảm thấy tình yêu sao mà rẻ rúng, mà cơ hội quá, nó còn chẳng xứng để được gọi là “tình yêu”. Cũng chẳng trách được bởi giữa thời mạt vận ấy, sự toan tính, quyền lực và giang sơn tất thảy đều đã tràn ngập trong trí óc, còn đâu để mà say đắm những cảm xúc của tình yêu. Trịnh Sâm đối với Đặng Thị Huệ, Nguyễn Gia Thiều đối với Bàng Cơ, hay cả Nguyễn Du với Cầm Nhi,… Có thể có tình yêu và sự ngưỡng mộ, nhưng nó không được toàn vẹn mà chỉ tựa một thoáng nhất thời.
Trịnh Sâm với Đặng Thị Huệ là một mối tình trao đổi sòng phẳng. Sâm có người đẹp mà Huệ thì có quyền lực. Trịnh Sâm trao cho Đặng Thị Huệ hết thảy yêu thương và sủng ái, nhưng Huệ thì chỉ muốn ở Sâm ngôi báu và giang sơn. Huệ nào chịu ngồi im để làm một Tuyên phi dịu dàng, thấu hiểu. Thứ ả muốn đâu chỉ là cái ngôi phi, ả muốn nhiều hơn thế. Nhưng cũng chẳng thể trách Huệ, bởi ả cũng chỉ như phường hát mua vui cho Trịnh Sâm mà chúa có thể thất sủng ả bất cứ lúc nào. Và vì thế ả mới phải hại chúa. Cảnh Trịnh Sâm chết, Sâm tuyệt vọng bao nhiêu thì Huệ lại vui mừng bấy nhiêu. Đến nỗi ngay cả những giọt nước mắt cuối cùng khi Trịnh Sâm mất, người ta cũng phải hoài nghi có bao nhiêu phần thực.
 
Còn Nguyễn Gia Thiều với Bằng Cơ, đó chỉ là một thoáng rung động. Bằng Cơ, với Thiều đến cùng cũng chỉ như con tốt thí trong ván cờ đoạt vị. Thiều đối với Bằng Cơ là sự áy náy, luôn muốn tìm cho nàng một mối tình thực sự để nàng gửi gắm, kể cả đó có là Nguyễn Hữu Chỉnh – người mà Thiều xem là kẻ cõng rắn cắn gà nhà. Nhưng đến cuối cùng, thì Bằng Cơ vẫn chỉ được sử dụng như một quân cờ nhỏ nhoi không hơn không kém.
 
Đến cuối cùng, dường như chỉ có “mối tình” giữa Tuyên phi Đặng Thị Huệ với Huy Quận công Hoàng Đình Bảo mới tạm xứng với một chữ “tình”. Và thật rẻ rúng làm sao khi hai kẻ ấy tằng tịu với nhau nhưng mới lại là tình thực.
 
Chuyện triều chính lao đao, Khản không muốn Thiều tiếp tục lấn sâu vào vũng bùn ấy nữa. Ngài bắt Thiều phải hứa. Nhưng lời hứa ấy có lẽ chẳng bao giờ được thực hiện, dù là Thiều hay là Khản. Bởi cả hai đã lún quá sâu mà chẳng thể vãn hồi, như cái cách Thiều so sánh thân phận mình với nàng cung nữ: muốn tránh khỏi bon chen mà chẳng thoát được vòng luẩn quẩn.
Và rồi cái vòng luẩn quẩn ấy tiếp diễn ra sao? Có lẽ phải đợi tập 2 mới biết được.

Cái quay búng sẵn lên trời
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.
Hình mộc thạch vàng kim ố cổ
Sắc cầm ngư ủ vũ ê phong
Tiêu điều nhân sự đã xong
Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư.

Cầu thệ thuỷ ngồi trơ cổ độ
Quán thu phong đứng rũ tà huy
Phong trần đến cả sơn khê
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau
Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì.

Trích "Cung oán ngâm khúc" của Nguyễn Gia Thiều

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on google
Google+