Tiểu thuyết Cầm Thư Quán về mối tình hư ảo của Lê Thánh Tông

“Cầm thư quán” dày 160 trang khổ 12X20,5cm

Nằm trong Tủ sách Book Hunter

Được cấp phép bởi NXB Hội Nhà Văn, 2018

Giá sách: 90.000 VNĐ

Phí ship: 25.000 VNĐ (Nội thành hà Nội) – 35.000 VNĐ (Toàn quốc)

Chính thức phát hành: 24 tháng 9 năm 2018

Tác giả: Hà Thủy Nguyên

Đặt sách tại đây:

Cầm Thư Quán - Chốn man mác buồn của giai nhân tài tử thời Lê Thánh Tông

“Cầm thư quán”  là một cuốn tiểu thuyết cổ trang có màu sắc tượng trưng, man mác buồn, đặt ra nhiều vấn đề mang tính triết học như sự tự do và cái đẹp. Câu chuyện xoay quanh cuộc sống ung dung nhàn hạ của hai chị em Ngọc Cầm và Ngọc Thư bên hồ Dâm Đàm (Tức hồ Tây, Hà Nội). Họ sống giữa thời đại của Lê Thánh Tông, là thời đại được cho rằng thịnh trị bậc nhất trong lịch sử, thời đại đỉnh cao của các Nho sinh. Thế nhưng, họ lại có cái nhìn khinh bạc đối với các Nho sinh này, cười nhạo những vị đại thần vào luồn ra cúi, không chấp nhận trói mình trong các phận vị thông thường của người phụ nữ. Họ mong muốn tìm kiếm tự do đích thực và tìm được cái đẹp tuyệt đối, còn lại tất cả vinh hoa phú quý đều chỉ là phù phiếm. Vua Lê Thánh Tông đeo đuổi cô em gái Ngọc Cầm. Ngọc Cầm chấp thuận sự đeo đuổi bởi nàng thương cảm với ông vua cô độc, nhưng Lê Thánh Tông vẫn không sở hữu được nàng. Cuối cùng, Ngọc Cầm và Ngọc Thư vẫn cứ tiếp tục vươn đến sự tuyệt đích.

Cuốn tiểu thuyết đã bị tịch thu ngay sau khi phát hành 1 tháng. Sau đó, cuốn sách không còn trên thị trường mà được nhiều trang mạng chia sẻ. “Cầm thư quán” là một cuốn sách vừa dễ đọc lại vừa khó đọc. Người đọc có thể tiếp cận cuốn sách như một tiểu thuyết tình cảm, lại vừa có thể tiếp cận cuốn sách như một tiểu thuyết với các mã tượng trưng và ước lệ để hiểu hơn những ẩn ngữ đằng sau. Vượt trên hai khía cạnh ấy, cuốn sách có thể đưa bạn đọc đến với các chiêm nghiệm về những điều cao cả hơn đời sống bình thường.

Ai đếm nổi bao cánh đào rơi buổi xuân tàn? Ai thấu hết thanh hương từ bầu rượu sen đang lênh láng trên mặt bàn… Gót hài kia đang đi về đâu thế? Đất trời rộng bao la làm vậy mà sao chẳng nơi nào có thể là nơi ta tung cánh tự do? Thế gian chua ngoa, độc ác đâu có chỗ cho những cánh hoa đào mỏng mảnh sống qua được mùa xuân…

Hành trình xuất bản "Cầm Thư Quán"

2008

“Cầm Thư Quán” được hoàn thành năm 2005, và mất 3 năm mới được xuất bản do những phức tạp trong quá trình cấp phép.

Năm 2008, khi “Cầm Thư Quán” được cấp phép bởi NXB Phụ Nữ thì chỉ ngay sau đó 1 tháng, Cục Xuất Bản đã có lệnh thu hồi với lý do không rõ ràng. 

2016

Mặc dù cuốn sách bị thu hồi nhưng được phát tán rộng rãi trên Internet, và được nhiều độc giả trẻ yêu thích. 

Năm 2016, Book Hunter đã chỉnh lý lại bản thảo và xuất bản trên Amazon.

2018

Sau 10 năm, cuốn sách đã tái xuất giang hồ với diện mạo mới, được cấp phép bởi NXB Hội Nhà Văn.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên đã dịch lại các đoạn thơ, kinh sách trích dẫn trong tiểu thuyết, đồng thời thêm vào bản trường thi “Hồ ca” mới được sáng tác. 

Cầm Thư Quán đã đánh thức nhiều xúc cảm đẹp đẽ nơi độc giả

Nếu phải tóm gọn giọng văn của tác giả trong vòng ba chữ, thì có thể dùng: Đẹp và Lạnh. Cầm Thư quán mang âm hưởng của tiếng huyền trầm đục, ngân vang lên như đánh động những phức cảm trong tâm hồn người đọc. Những dòng chữ ngắn ngủi, một vài từ miêu tả phân đoạn làm toát lên nội tâm nhân vật. Điều mà ít ai có thể làm được, lại hiện diện nơi cuốn sách này.
Fanpage Tác giả – Truyện Việt
Đến với Cầm Thư quán, bạn đọc sẽ bắt gặp một Lê Thánh Tông cá nhân hơn, và cũng... tham lam hơn. Lê Thánh Tông “tham lam” không chỉ vì vừa muốn giang sơn, vừa muốn mỹ nhân, mà còn vì ông tò mò muốn biết cả đời sau sẽ nghĩ gì về mình. Thế nhưng cũng ở đây, người đọc sẽ bắt gặp một Lê Thánh Tông si tình hết mực, và cũng day dứt, buồn đau hết mực. Nếu Ngọc Cầm, Ngọc Thư khát khao sự vô cùng, bất tận, thì có lẽ điều duy nhất Lê Thánh Tông truy cầu là chính mình: giang sơn, mỹ nhân, tình ái,... tất cả đều được ông “dùng” để khẳng định chính mình. Chỉ là đến cuối cùng, Lê Thánh Tông lại chẳng giữ lại được gì ngoài giang sơn.

Bình luận trên Goodread của bạn Lý Uyên

Mượn bối cảnh là giai đoạn lịch sử dưới thời trị vì của Lê Thánh Tông, “Cầm thư quán” là một câu chuyện vừa huyền ảo mộng mị vừa đầy khoái lạc tiêu dao. Đọc cuốn sách nhỏ này tôi cứ nghĩ đến Trang Tử, một hình dung về thú tiêu dao tự chủ, coi nhẹ vinh hoa phú quý phù phiếm ở đời; thêm tinh thần phóng khoáng, yêu tự do và những theo đuổi, tìm kiếm những điều đẹp đẽ trong đời của bậc tao nhân mặc khách.

Cuốn sách này xuất bản lần đầu năm 2008, nxb Phụ Nữ. Tới 2018 được tái xuất giang hồ bởi Book Hunter.

Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh thời Hồng Đức vua Lê Thánh Tông, xoay quanh các mối quan hệ của hai nhân vật chính là chủ quán của Cầm Thư quán, là Thư Cầm và Ngọc Cầm, hai chị em tài sắc vẹn toàn, khi nói rằng toàn thân họ là thơ là nhạc cũng ko có gì quá lời.

Cầm Thư quán là một thủy đình giữa hồ Tây, chen giữa ngát sen và mênh mông sóng nước. Ở Cầm Thư quán có sách, trà, rượu, thơ và tiếng tỳ bà có một không hai của nàng Ngọc Cầm. Tiếng đàn đó là thứ âm thanh kỳ diệu, lạ lùng, vừa thanh thoát mà xen chút ma mị hồ ly, là âm thanh của chuỗi ngọc trai đứt rơi từng hạt xuống nền đá hoa cương.

Trong một đêm thanh vắng giữa hoàng cung bốn phía tường thành, chính lúc đang say sưa thưởng thức nàng thơ tưởng như tuyệt thế giữa bát nháo hậu cung, tiếng đàn kỳ lạ ấy bỗng đâu vẳng vào hoàng cung, như rơi từ ko trung xuống… Tiếng đàn đã mê hoặc vua Hồng Đức, khiến ngài chợt thấy mọi thứ đang hiển hiện trước mắt thật tầm thường, chỉ có tiếng đàn kia mới thực vừa thần tiên lại vừa ma mị như chốn cõi mơ. Ngài quyết đi tìm, nhưng khắp hoàng cung ko ai là chủ nhân của tiếng đàn ấy. Hay ngài mộng du mà tự mình rơi vào mộng mị? Quả nhiên, nhà vua ko khỏi nghĩ mình đã mộng gặp hồ ly.

Tình cờ thay trong một lần vi hành cùng cặp đôi giai nhân tài tử là vợ chồng Ngô Chi Lan và Phù Thúc Hoành, vua Hồng Đức lần đầu được ghé thăm Cầm Thư quán.

Người đầu tiên nhà vua gặp mặt là Thư Cầm, trông đã sắc nước hương trời nhưng khiến nhà vua sững sờ chính là tiếng tỳ bà từ bên trong thủy đình cho đến khi Ngọc Cầm xuất hiện.

Quái lạ thay, nàng ngồi đàn giữa thủy đình bốn phía mênh mông nước mà thanh âm ấy bay tận vào chốn hoàng cung cao cổng kín tường. Là mối duyên kỳ lạ hay là ý trời cho ngài được biết thế nào là “mỹ” ở đời?

Chỉ bằng 1 bài thơ sau lần gặp mặt đầu tiên, 2 chị em Thư Cầm và Ngọc Cầm đã biết người ghé thăm hôm nọ ko phải là kẻ tầm thường và rằng, với khí chất của bài thơ ấy thì tác giả chắc chắn là bậc đế vương.

Nhưng đế vương thì sao? Ở Cầm Thư quán có trà, rượu, thơ, nhạc và sen. Tuyệt ko cần biết ai là vua ai là dân. Đúng ra thì đối với Ngọc Cầm, người đó là vua hay ko là vua, đối với nàng cũng chẳng có ý nghĩa gì. Dù biết tiêu dao hưởng thụ cuộc sống này giữa thủy đình đầy tự chủ chốn mênh mông hồ Tây, nàng vẫn luôn mơ một giấc mơ về biển lớn. Đó là giấc mơ được sảng khoái, vẫy vùng như loài cá Côn ở vùng biển Bắc mà Trang Chu nhắc tới: “Bể Bắc có loài cá Côn. Bề lớn của Côn, không biết nó mấy nghìn dặm! Hóa mà làm loài chim, tên nó là Bằng. Lưng của Bằng, không biết nó mấy nghìn dặm! Vùng dậy bay, cánh nó như đám mây rủ ngang trời. Loài chim ấy, bể động thì sắp rời sang bể Nam. Bể Nam là ao trời.”… “Khi Bằng rời sang bể Nam, nước sóng sánh ba nghìn dặm! Nó liệng theo gió lốc mà lên chín muôn dặm. Đi cứ sáu tháng mới nghỉ…” (trích Nam Hoa Kinh, Trang tử).

Bằng sự kiên trì theo đuổi với tất cả mối tình si, cuối cùng thì nhà vua cũng được mỹ nhân đón nhận. Nàng đón nhận ngài chỉ vì sự say đắm của ngài với tiếng đàn của nàng mà khiến nàng cảm động. Nam nhân muôn đời vẫn nhầm lẫn, đối với nữ nhi như Ngọc Cầm, tiền tài danh vọng hay quyền uy chẳng là gì cả, mà chỉ cần một mối chân thành, thì nữ nhi như Ngọc Cầm nguyện tự mình đáp lại chân tình.

Mọi thứ tưởng chừng tới đây sẽ theo hướng hoặc Ngọc Cầm được sắc phong làm phi tần. Hoặc chuyện tình của nàng với nhà vua mãi là 1 thiên dã sử truyền tụng theo giai thoại… thì không. Bởi đã có thứ khiến Ngọc Cầm xao động. Dù bên cạnh nhà vua, bỏ qua sự oai nghiêm của kẻ đứng đầu thiên hạ, Hồng Đức dù là kẻ ưu tú đứng đầu trong những kẻ Nho học ưu tú thì Ngọc Cầm vẫn chưa dứt giấc mộng về biển lớn, chốn vẫy vùng và tụ hội của cái đẹp.

Bức tranh thủy mặc dưới màn mưa những cánh đào hoa nơi chùa chiền ngày du xuân đã khiến tâm trí Ngọc Cầm dậy sóng.

Sự xuất hiện của một nhà sư bí ẩn, một thư sinh ôm mộng hải hồ đã cuốn hai chị em Thư Cầm và Ngọc Cầm vào một vòng xoáy mới của cuộc đuổi bắt chữ “mỹ” trong đời. Không phải nhà vua. Không phải hoàng cung. Dù nhà vua đã sắc phong Ngọc Cầm làm Huyền Phi. Dù nhà vua thừa sức để Huyền Phi làm những điều mình muốn. Nhưng Ngọc Cầm không phải là mỹ nhân dành cho chốn cung đình. Hai chị em nàng không dành riêng cho ai cả.

Cầm Thư quán có thể tự sinh tự diệt. Cũng như Thư Cầm và Ngọc Cầm. Điều quan trọng là ai sẽ cùng ta thưởng thức hết mọi đẹp đẽ trong đời với tâm thế tiêu dao tự tại cùng nhau. Tuế nguyệt chẳng là gì, huống chi danh lợi ở đời.

Đầy tính nhã nhạc, đầy chất thơ và phiêu diêu, tôi hình dung Cầm Thư quán như một làn hương thoảng trong không gian Tây hồ mênh mông trước mặt, nhẹ bẫng mà thơm tho đẹp đẽ thanh khiết đến lạ lùng.
 

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on google
Google+

Ta loã lồ bên đầm sen ngày ấy
Đợi thánh quân để thức tỉnh ngôi thần
Để mây mưa gột sạch lòng ham muốn
Suối Tham kia đà phong ấn linh thần.
Ngai vàng để mà chi
Muôn dân quỳ dưới đất
Tôn vinh ngài nơi lăng tẩm
Ướp hồn ngài trong nấm mộ
Để rút cạn tinh linh nuôi kẻ xa lạ đớn hèn
Anh hùng ư? Nào có để làm chi
Muôn dải đất rồi cũng tro tàn xương cốt
Mệt mỏi chăng nơi lầu son gác tía
Sách thánh nhân đè nặng tấm lưng gầy

Trích một đoạn thơ trong trường thi "Hồ Khúc"